Tổng cục Thuế cho biết đang triển khai chiến lược cải cách hiện đại hóa ngành thuế đến năm 2030. Theo đó, ngành tiếp tục đẩy mạnh triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển Chính phủ điện tử tại Tổng cục Thuế trên cơ sở cải cách hành chính, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, thực hiện chuyển đổi số, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số, phát triển nhân lực số và đảm bảo an toàn, an ninh mạng.
Theo đó, năm 2024, Tổng cục Thuế đặt ra một số mục tiêu cơ bản như tích hợp 100% dịch vụ công trực tuyến mức toàn trình đủ điều kiện, liên quan tới người dân, doanh nghiệp được tích hợp lên Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Bên cạnh đó, tối thiểu 80% hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý hoàn toàn trực tuyến; các hệ thống thông tin của ngành có liên quan đến người dân, doanh nghiệp được đưa vào vận hành, khai thác được kết nối, liên thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu; thông tin của người dân, doanh nghiệp đã được số hóa và lưu trữ tại các cơ sở dữ liệu quốc gia không phải cung cấp lại.
Ngoài ra, ít nhất 80% hồ sơ công việc được xử lý trên môi trường mạng; ít nhất 90% hệ thống máy chủ được triển khai trên nền tảng điện toán đám mây; 100% cán bộ công chức viên chức được tập huấn, bồi dưỡng, phổ cập kỹ năng số cơ bản theo lộ trình chung của Chính phủ; 50% cán bộ, công chức, viên chức được tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng khai thác dữ liệu và công nghệ số phục vụ cho chuyên môn.
Tổng cục Thuế cũng đặt mục tiêu 100% nhu cầu kết nối trao đổi thông tin giữa các đơn vị, bộ ngành, tổ chức liên quan được ứng dụng công nghệ thông tin theo lộ trình triển khai các văn bản thỏa thuận, hợp tác giữa các bên, 90% ứng dụng cốt lõi (bao gồm ứng dụng dịch vụ thuế điện tử, ứng dụng quản lý thuế tích hợp, các dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực thuế tích hợp với dịch vụ công quốc gia…) đảm bảo độ sẵn sàng hoạt động tại Trung tâm dữ liệu dự phòng thảm họa (DRC) khi có sự cố phát sinh.
Theo Tổng cục Thuế trong thời gian tới, ngành thuế vẫn còn nhiều lĩnh vực phải làm như triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, bản đồ số hộ kinh doanh đối chiếu với cơ quan đăng ký kinh doanh, quản lý thương mại điện tử.
Tổng cục Thuế cho biết, đây là những lĩnh mới và rất khó quản lý đòi hỏi phải xây dựng những ứng dụng công nghệ thông minh, tự động, lưu vết được toàn bộ các tác vụ của cả cán bộ thuế và người nộp thuế, kể cả việc ra quyết định thanh tra, kiểm tra. Bên cạnh đó, chiến lược cải cách hiện đại hóa ngành thuế đến năm 2030 cũng không thể thiếu việc hoàn thiện thể chế chính sách, rà soát lại những vấn đề còn vướng, đặc biệt những quy định lưỡng tính.